TOP 5 mở bài hay cho các bài phân tích văn học 12

bởi Góp ý
1 bình luận

Mở bài là một trong những yếu tố quan trọng quyết định làm nên một bài văn hay. Đây là thứ quyết định tất cả mọi ấn tượng ban đầu, gây hứng thú và thiện cảm cho người đọc. Tuy nhiên, việc viế được một mở bài hay không phải và việc dễ dàng. Hiểu được trăn trở này của các bạn học sinh, chúng tôi đã tập hợp một số gợi ý hay cho một số bài trong chương trình lớp 12.

1. RỪNG XÀ NU

Tây Nguyên là mảnh đất của văn hóa cồng chiêng và những pho sử thi đồ sộ. Chính mảnh đất này đã thổi hồn vào những trang viết của Nguyễn Trung Thành và để lại nhiều dấu ấn. Nếu trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Trung Thành – bút danh Nguyên Ngọc nổi tiếng cùng “Đất nước đứng lên”; thì trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là những năm 1965 khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam đang diễn ra gay go ác liệt, Nguyễn Trung Thành cho ra mắt người đọc truyện ngắn “Rừng xà nu” – một bản hùng ca, ca ngợi cuộc sống và con người Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh vĩ đại.

RỪNG XÀ NU

Và nổi bật hơn cả trong tác phẩm chính là hình tượng cây xà nu với nhiều dáng vẻ. Qua lăng kính của “Rừng xà nu”, loài cây đến từ Tây Nguyên đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật về núi rừng trong tư thế hùng vĩ, vững trãi muôn đời. Nó nói lên sức sống bền vững, quật khởi của con người Tây Nguyên bất khuất – kiên cường – quật khởi.

2. VỢ CHỒNG A PHỦ

Khi nhắc đến Tô Hoài tức là ta đang nhắc đến “một nhà văn Kẻ Chợ hóm hỉnh, tinh quái, khôn ngoan, rành đời” (Phạm Xuân Nguyên) trong nền văn học Việt Nam quãng thời gian dân tộc chuyển mình giành lấy độc lập, chống đế quốc, và xây dựng lại đất nước, trải dài suốt thế kỷ 20. Chính nhà văn cũng từng chia sẻ lí do viết văn của mình rằng: “Chỉ là tự nhiên, mình thích viết về cuộc đời thực”. Có lẽ cũng chính cái cảm quan hiện thực đầy tinh tế ấy về cuộc sống đời thường – cộng vốn hiểu biết giàu có về phong tục và đời viết không ngừng nghỉ, đã đưa cái tên Tô Hoài lên vị trí không thể nhầm lẫn. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn phải kể đến đó là “Vợ chồng A Phủ” – truyện ngắn được rút trong tập “Truyện Tây Bắc”.

VỢ CHỒNG A PHỦ

Đây chính là kết quả của Tô Hoài trong những năm kháng chiến chống pháp ở núi rùng Tây Bắc – bộc lộ rõ nét phong cách của nhà văn: màu sắc dân tộc đậm đà; chất thơ, chất trữ tình đằm thắm, lời văn giàu tính tạo hình. Đọc xong truyện ngắn này, nhân vật Mị cùng gương mặt “buồn rười rượi” chính là thứ ám ảnh sâu sắc lấy tâm trí người đọc. Đó là gương mặt mang nỗi đau của một kiếp người không bằng ngựa trâu. Đó là gương mặt tưởng như cam chịu, mất hết sức sống. Ấy nhưng không! Đằng sau gương mặt ấy, vẫn ẩn chứa một sức sống tiềm tàng không dễ gì dập tắt.

3. SÓNG

Tôi luôn thật sự tin rằng không người nghệ sĩ thực thụ nào mà lại thật sự ra đi. Cụ thể, thi ca nói riêng là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài – nó độc lập và mãi nằm ra khỏi dòng tuyến tính của thời gian. Cá nhân tôi cho rằng Xuân Quỳnh là một trong số những người nghệ sĩ Việt Nam có khả năng tạo ra những giá trị vĩnh cữu như thế của tâm hồn – dù nhỏ bé thôi, khiêm tốn thôi.

 SÓNG

Tôi luôn tìm thấy ở Xuân Quỳnh, dù là một thiếu nữ hay người đàn bà của gia đình và những đứa con, một tâm hồn thơ vô cùng nhạy cảm – tha thiết – đầy khát vọng với tình yêu và cuộc đời. Phải đánh cuộc với số phận, với sự sống, với hạnh phúc; vả chăng, chính năng lượng của thơ, của nghệ thuật sẽ nảy sinh từ đó. Quá sức vì khát vọng, có lẽ, đó cũng là trạng thái của Xuân Quỳnh:

“Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở

Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu!”

Đây chính là điều tôi thích nhất ở nhà thơ và những sáng tác của chị – bà. Nó khiến những ai với tâm hồn cũng khao khát yêu, phải rung động. Xuân Quỳnh viết nhiều, viết hay về tình yêu nhưng có lẽ “Sóng” chính là bài thơ đặc sắc nhất mang tính cột mốc trong giai đoạn đầu của chị. Đó chính là bài ca khởi nguồn phát ra từ một tâm hồn khao khát yêu đương – chân thật, mãnh liệt, nữ tính.

4. CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA SO SÁNH VỢ NHẶT

Sau năm 1975, văn chương trở về với đời thường và Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kỳ đổi mới đã đi sâu khám phá đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là một trong những tiêu biểu cho sự nghiệp ông trong thời kì này. Thiên truyện đồng thời chính là phát hiện về đời sống và con người theo hướng đi ngược lại với “thứ văn nghệ minh họa” trong quan điểm của Nguyễn Minh Châu; nó đối chứng lại với những quan niệm, nhận thức hạn hẹp, chủ quan của một thời trong cách nhìn cuộc đời và con người. Chiếc thuyền ngoài xa đã vượt lên khỏi mọi giới hạn về tư duy và nghệ thuật lúc bấy giờ, chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là một người đàn bà hàng chài, phải vật lộn với cuộc sống nhọc nhằn, lo cơm áo và giữ gìn nhân phẩm, đạo đức. Để rồi từ đây, Nguyễn Minh Châu để lại trong lòng người nhiều ám ảnh, trăn trở về cuộc sống của con người trong thời kì đổi mới.

CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA SO SÁNH VỢ NHẶT

Mặt khác, Kim Lân được coi là nhà văn thành công về đề tài nông thôn với những thân phận bé nhỏ và cam chịu, cùng vẻ đẹp chân quê bình dị và những phong tục tập quán độc đáo của làng quê Bắc bộ. Từng trang viết của nhà văn sinh ra từ đồng ruộng đều cay xè khói bếp, thơm thơm mùi lúa mới, ngai ngái mùi rơm rạ, bảng lảng những cánh cò chao nhịp… Từ bóng tối hoàn cảnh trong “Vợ nhặt” nói riêng cùng nhân vật người đàn bà đói, Kim Lân muốn làm toả sáng một chất thơ của hồn người. Ánh sáng của tình người toả ra hào quang đặc biệt của chủ nghĩa nhân văn tha thiết và cảm động. Hai nhân vật đến từ hai tác phẩm của hai nhà văn khác nhau, dường như chẳng hề liên quan, thật ra lại có thể gợi nên trong lòng người đọc những liên tưởng chung vô cùng thú vị về vẻ đẹp tìm ẩn bị vùi lấp trong con người. Không chỉ kiếm tìm, tôn vinh vẻ đẹp phẩm chất người phụ nữ nói riêng, hai nhà văn đồng thời còn lí giải cội nguồn vẻ đẹp ấy chính là lòng nhân hậu, đức hạnh, phẩm tiết bám sâu trong tâm hồn, tâm linh con người họ.

5. CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

Trong văn học cách mạng trước năm 1975, thước đo giá trị chủ yếu của nhân cách là sự cống hiến, hy sinh cho cách mạng, là các tiêu chuẩn đạo đức cách mạng được thể hiện chủ yếu trong mối quan hệ với đồng chí, đồng bào, với kẻ thù. Sau năm 1975, văn chương trở về với đời thường và Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kỳ đổi mới đã đi sâu khám phá đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là một trong những tiêu biểu cho sự nghiệp ông trong thời kì này. Thiên truyện đồng thời chính là phát hiện về đời sống và con người theo hướng đi ngược lại với “thứ văn nghệ minh họa” trong quan điểm của Nguyễn Minh Châu; nó đối chứng lại với những quan niệm, nhận thức hạn hẹp, chủ quan của một thời trong cách nhìn cuộc đời và con người.

CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

Chiếc thuyền ngoài xa đã vượt lên khỏi mọi giới hạn về tư duy và nghệ thuật lúc bấy giờ, chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là một người đàn bà hàng chài, phải vật lộn với cuộc sống nhọc nhằn, lo cơm áo và giữ gìn nhân phẩm, đạo đức. Để rồi từ đây, Nguyễn Minh Châu để lại trong lòng người nhiều ám ảnh, trăn trở về cuộc sống của con người trong thời kì đổi mới. Không chỉ kiếm tìm, tôn vinh vẻ đẹp phẩm chất người phụ nữ mà nhà văn còn lí giải cội nguồn vẻ đẹp ấy chính là lòng nhân hậu, đức hạnh, phẩm tiết bám sâu trong tâm hồn, tâm linh con người họ.

Chúng tôi mong rằng sau những chia sẻ này, các bạn học sinh sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc viết một mở bài trọn vẹn. Chúc các bạn đạt được những thành quả tốt!

—- Có thể bạn quan tâm : TOP 5 tác phẩm văn học hay nhất về chủ đề tuổi thơ

Bạn có biết ???

1 bình luận

Top 5 tác phẩm Việt Nam danh tác tiêu biểu 09/08/2021 - 12:13

[…] —- Có thể bạn quan tâm : TOP 5 mở bài hay cho các bài phân tích văn học 12 […]

phản hồi

Để lại bình luận